Chọn chào mào đi thi

Cách chọn chim thi

Sau 1 một gian chơi chim và mua bán chào mào. Được sự ủng hộ, và những đánh giá tốt của anh em về chim mình bán ra ( điều này người bán chim nào cũng mong muốn ). Nay mình xin phép viết bài này để chia sẻ cho các bạn về cách chọn chim chào mào đi thi. Đây chỉ là quan điểm của cá nhân mình thôi nhé, nếu bạn nào có kinh nghiệm chia sẻ thì viết bình luận bên dưới để cho bài viết được hoàn chỉnh hơn.

Cách chọn chào mào có tố chất đi thi

Chọn chào mào đi thi
Cách chọn chim chào mào có tố chất đi thi

Chơi chim chào mào thì có nhiều kiểu chơi. Có người thì nghe giọng hót, có người thì chơi tướng, chọn những chú chim tướng to, mào lân, họng bò, yếm khít…Nhưng kiểu chơi chim đi thi thường chiếm đa số hơn. Chọn chào mào đi thi cần các yếu tố như : chơi bền, chơi tĩnh chim, giọng hót to và gắt…

Chọn tướng chào mào thi

Nên chọn những chú chim tướng nhỏ, dài đòn, mặt dữ. Thường những chú chim này chơi rất lâu. Chim tướng nhỏ con khi nhảy, chuyền cầu nhiều hơn những chú chim to con. Vì chim to con di chuyển chậm và nhanh đuối sức. Thường những chú chim thi đoạt giải đa số là chim nhỏ. Lúc mình mới chơi chim cũng hay chọn những chim to và thấy nó di chuyển khó khăn và chơi không bền. Ở miền Bắc đa số chim tướng to con, các bạn xem chọn con nhỏ hơn những con đó, tướng dài, lông ôm gọn.

Bài viết liên quan

Chọn cách chơi của chào mào chơi giàn

Chọn những con tính lăng xăng, siêng chuyền cầu, nhảy cầu. Những con này thường không chơi cũng nhảy cầu, chuyền cầu. Cái này cũng tránh trường hợp khi đi thi bị đánh rớt do chim đứng 1 chỗ không chơi. Chọn chim chớp cánh nhẹ chứ đừng bung hết cánh, chim bung cánh chơi thời gian dài sẽ nhanh mệt và dừng chơi.

Tính cách con chim thi

Chọn những con chơi bình tĩnh ,chơi từ từ. Những chú chim chơi vậy thường chơi nước hậu. Ví dụ như chim người ta ché, nạt nộ, bu lồng. Chim mình vẫn cứ chơi bình thường, chuyền cầu, xổ bọng chứ không phải bu lồng theo. Nếu không tin bạn thử mang chim đi thi, để ý những chú chim mới treo lên giàn, hoặc mới mang vào cội ché ầm ầm, nạt nộ, bu lông. Rất chi là láo, nhưng mấy em này thì vào được tới vòng 4, 5 là hết chơi và bị loại rồi.

Tật lỗi của chào mào đi thi

Cái này hay mắc phải, nhớ xem kỹ chim có lộn mèo, ngoái cổ, bu lồng không. Chim lộn mèo thường chơi sẽ bị mất sức và bị loại sớm. Những con thường chơi khoảng 30 phút, khi không chơi lại thường lộn mèo, bám nóc lồng, bu lông ( bu lồng có trường hợp do chim chưa căng lửa). Nên cần chú ý vấn đề này, cứ cho chim chơi 30 phút xem sao.

Giọng hót và ché của chim thi

Giọng hót thì chọn con nào xổ bọng to, rát. Giọng ché thì dài và to. Những giọng vậy sẽ đè được những chú chim khác.

Chọn nguồn gốc chú chim thi

Nên chọn chim gốc bổi hoặc bổi già. Những con này do thời gian sống ngoài rừng lâu, và phải đấu tranh với những con khác nên tính rất lì và không biết sợ con nào đồng thời chúng có giọng hót rất hay và gắt. Ngược lại chim má trắng hay má lở tuy nuôi nhanh thuần và nhanh chơi nhưng lại hay sợ chim khác và chơi thất thường, thích thì chơi, không thích thì thôi. Tuy nhiên có những chú chim má trắng được huấn luyện tốt, và thường xuyên đi cội thì cũng không thua gì chim bổi già. Mình có viết bài cách chọn chim bổi già các bạn vào đây tham khảo : Chào mào bổi già .

Đó là 1 số kinh nghiệm của mình khi chọn chào mào đi thi. Nếu mua chim mà ra cội test tận mắt cách chơi của chim thì khỏi phải nói rồi. Cứ chọn con nào chơi lăng xăng, chơi lâu, thường chơi khoảng 2 – 3 tiếng là lấy ngay. Đối với bản thân mình, khi mua con chim giá từ 4 – 5 triệu thì mình thường ra cội xem và ít nhất 3 lần mới tuyển em nó. Chứ nhiều em bữa nay chơi vậy, bữa sau không chơi. Chúc các bạn thành công và sớm có cờ.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button