Phân loại các mặt bông Phi Điệp

Các loại hoa phi điệp

Chào các bạn đam mê lan ! Có nhiều người mới bắt đầu chơi lan thường không hiểu rõ hoặc mơ hồ về mặt bông phi điệp ( giả hạc ): 5 cánh trắng ( 5ct ) , cánh hồng, ám, bệt, cánh bay, cánh bầu…Bài viết này sẽ hướng dẫn cách phân loại các mặt bông Phi Điệp đẹp hiện nay.

Phân loại các mặt bông Phi Điệp

#1. Phi điệp 5 cánh trắng ( 5ct )

Đây là loại phi điệp độc biến hiện nay và rất nhiều ngươi muốn sở hữu chúng, nó có giá từ vài triệu đến vài trăm triệu 1cm. Hiện nay có rất nhiều phi điệp 5ct như : 5ct Bảo Duy, 5ct Tiên Sa ( cây này gây xôn xao dư luận khi được giao dịch với giá 6 tỷ 8 ), 5ct Vô Thường, 5ct Phú Thọ, 5ct HO ( Hòa Bình )… Những loại này thường là giả hạc xanh sạch và bán theo giá từng mắt ngủ để về ươm kie với giá vài chục đến trăm triệu.

phi diep dot bien
Phi điệp 5ct Bảo Duy ( 5ct )

Khi đã gọi 5 cánh trắng thì tất nhiên 5 cánh của hoa phải trắng tinh khiết và không tì vết. Hiện nay có nhiều người đã xổ được bông 5ct. Nhưng việc xác định giá trị của nó cũng tương đối khó, ngoài yếu tố vùng miền thì còn bao gồm 3 tiêu chí :

  1. Mặt bông 5ct đẹp thì điều đầu tiên phải nói đến cái mũi, mũi hoa trắng chính là tiêu chí của anh em chơi lan ” var “. Bởi vì khi nói đến 5ct thì nói đến độ thuần khiết và tinh tế, tâm bông phải sáng và cái mũi trắng chính là điểm sáng nhất của bông.
  2. Mắt bông càng nhỏ, gọn, xước, mờ thì độ đột biến càng cao và giá trị càng nâng lên. Đây chính là tiêu chí thứ 2 sau mũi hoa.
  3. Cánh hoa cũng là tiêu chí chọn, cánh hoa cần phải cân đối, cánh bay, cánh bầu, cánh sáp… cũng giúp nâng tầm giá trị bông 5ct rất nhiều.

Ngoài ra có 1 số cây phi điệp 5ct nhưng mắt hồng, mũi hồng có kết cấu bông đẹp thì giá trị cũng rất cao. Thậm chí nó cao hơn rất nhiều so với 5ct mũi trắng.

#2. Phi điệp cánh ám

Phi điệp Ám : Mặt bông này rất dễ nhầm lẫn với 5ct, bởi phi điệp ám cánh cũng gần như trắng nhưng chỉ có 1 vệt rất nhỏ có màu khác phía ngoài mép cánh hay sát lưỡi( thường là màu hồng hoặc đỏ ), phải nhìn kỹ mới thấy được. Cánh ám là bông có sắc tố hồng trên khuôn bông hoa trắng.

Bông ám có thể lúc mới nhú nụ màu xanh, hồng, tím nhưng khi nở nó sẽ biến thiên và trở thành ám, gần như 5 cánh trắng. Bông này nó không ổn định có thể năm sau bay sạch các vết ám hoặc ra nhiều ám hơn.

Giá trị bông ám này cao hơn rất nhiều so với mặt bông khác, nhưng nó không có giá bằng bông 5ct được.

Phi điệp Ám khói :  Ám khói là trong 1 đến 2 ngày đầu mới nở ra 1 chút tím, hồng. Nhưng sau đó thì vết này mất hẳn và trở thành bông hoàn toàn màu trắng

#3. Phi Điệp Mắt xước

Là loại có 2 mắt bị xước như vết cào, vệt này càng nhỏ, rõ ràng, không bị lem màu kết hợp với cánh đẹp, môi đẹp thì giá trị rất cao.

Những bông phi điệp mắt xước đẹp thường ở các rừng ở khu vực miền Nam, vì vậy khi mua nên lưu ý vùng miền hoặc chọn nhà vườn uy tín.

#4. Phi điệp hồng

Bông hoa toát lên 1 màu hồng quyến rũ ( chẳng hạn như Hồng Mỹ Nhân ). Khi nói đến hồng thì phải đồng nhất một màu hồng. Hay sự pha trộn giữa hồng với trắng hoặc các màu khác giữa mắt, mũi, môi và bộ cánh. Chẳng hạn như : Hồng cánh sen, hồng phấn,hồng đào…Mà điểm nhấn vẫn là mắt và mũi của bông.

Bông phi điệp hồng đẹp xuất sắc phải đồng nhất một màu hồng đồng nhất kết hợp với mũi, mắt, cánh độc đáo cũng sẽ được gọi là lan đột biến. Còn lại những bông chỉ đơn thuần 1 màu hồng mà không có gì lạ ở mắt, mũi, cánh thì nó chỉ là bông phi điệp hồng bình thường mà thôi.

Giá trị kinh tế của bông này cũng rất cao và đây là xu hướng hiện nay. Tùy theo độ đặc sắc của mắt, mũi, cánh mà giá trị khác nhau.

#5. Phi điệp lưỡi bệt

Phi điệp lưỡi bệt có bộ lưỡi màu đỏ, hồng kéo dài ra ngoài môi. Bông hoa đẹp dựa vào độ độc của lưỡi kết hợp với mắt. Một bông hoa được gọi là bệt đẹp khi có các tiêu chí :

+ Màu sắc của lưỡi : Màu lưỡi phải đồng nhất 1 màu: Tím, đỏ tím, tím đen, đỏ tươi và không có bất kỳ 1 điểm màu sáng nào trên lưỡi kể cả viền lưỡi và chóp lưỡi.

+ Bộ mắt của hoa bệt : Bệt ở lưỡi chưa đủ đẹp nếu không có sự kết hợp độc đáo của đôi mắt. Độ độc đáo của nó được chia theo nhiều cấp độ khác nhau:

  1. Bệt không có mắt : Tức là mắt và lưỡi đã hòa quyện với nhau thành 1 màu đồng nhất và không thể phân biệt được đâu là mắt nữa.
  2. Bệt mắt xước :  Mắt hoa tạo thành các vết xước, đường gân chạy ngang, dọc khắp lưỡi và đồng màu với lưỡi.
  3. Bệt mắt mù hay tràn viền : Tức là màu sắc của mắt chưa biến thiên, màu mắt còn đậm hơn lưỡi. màu mắt tập trung trên 2 vị trí của mắt hoặc tràn hết mép viền của lưỡi. bệt loại này nhìn vào sẽ thấy vùng mắt đậm hơn so với vùng lưỡi.
  4. Mắt còn nguyên vẹn : Bệt loại này thì bộ mắt còn nguyên vẹn như những bông hoa bình thường. Có thể nhìn thấy rõ ràng bộ mắt : mắt nai, mắt trâu,mắt cua…

+ Màu sắc cánh hoa : Nếu bông hoa bệt có thêm bộ cánh trắng ( chẳng hạn như 5 cánh trắng Lâm Xung ), ám trắng, hồng, tím với cánh bay. Kèm theo mũi trắng, hồng  thì giá trị của bông hoa lại càng cao hơn.

#6. Phi điệp cánh bay

Hoa có bộ 5 cánh thẳng hoặc ngả về sau và không rủ xuống che hết mặt bông được gọi là cánh bay

#7. Phi điệp không ngủ

Những bông hoa phi điệp thông thường thì buổi sáng đến giữa chiều các cánh bung ra và buổi tối thì nó khép lại để ngủ. Phi điệp không ngủ là những bông hoa bay 24/24h và không khép lại. 1 trong số đó là dòng phi điệp rừng quốc gia Chư Yang Sin thuộc tỉnh Đăk Lắk.

#8. Phi điệp cánh bầu

Những loại hoa có bộ cánh ngắn và tròn được gọi là cánh bầu. Những loại này cũng được sưu tầm rất nhiều và có giá cũng khá cao. Thường thấy ở các rừng ở Lâm Đồng.

#9. Phi Điệp Môi Tuyết

Vùng phía ngoài viền môi có nhiều sợi lông tơ màu trắng như tuyết. Lúc nhìn vào cảm giác như có lớp tuyết bao phủ trên hoa vậy.

#10. Phi Điệp Môi tim

Môi của hoa có hình trái tim, tùy theo hình dạng, độ cân đối và độc đáo mà giá trị khác nhau

#11. Phi điệp lá mít

Những loại phi điệp này có lá to như lát mít, bản lá dày khoảng 7cm và dài. Thông thường người ta chơi dòng phi điệp này chỉ để ngắm thân, lá chứ không quan trong mặt hoa của nó. Nó có giá cũng khá cao và cao hơn khi có mặt hoa đẹp.

Đó là phân loại các mặt bông phi điệp. Một giò phi điệp đẹp ngoài mặt bông nó cần có sự kết hợp tổng thể : Giò phải sai hoa, phân bố đồng đều không quá dày hoặc quá mỏng, thân lá đồng đều, không teo tóp…

Ngoài ra cũng có các mặt bông phi điệp lạ như : phi điệp không có lưỡi, phi điệp 2 mắt, 6 cánh… Những trường hợp này do kích hoa phi điệp sử dụng quá nhiều chất kích thích hoặc sử dụng thuốc kích không chất lượng.

Tóm lại : Đó chỉ là nhận định về mặt hoa đẹp đối với anh em chơi lan. Hoa đẹp hay xấu là ở bản thân người chơi, mình yêu thích nó thì nó đẹp. Còn không thích, không đam mê thì hoa nào cũng như nhau cả. Các bạn nhớ like trang Facebook Nhà Rèn để chiêm ngưỡng những mặt bông đẹp nhé

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button